Những lưu ý chung khi sử dụng kem chống nắng

Những lưu ý chung khi sử dụng kem chống nắng

Kem chống nắng là dược mỹ phẩm làm đẹp không thể thiếu đối với làn da của bạn. Việc sử dụng kem chống nắng mỗi ngày sẽ giúp làn da tránh khỏi những tổn hại khôn lường mà tia UV mang tới. Tuy nhiên, sử dụng kem chống nắng cũng cần phải thực hiện đúng cách để có hiệu quả cao nhất, muốn vậy, bạn cần phải lưu ý những điều sau.

Những lưu ý chung khi sử dụng kem chống nắng
Những lưu ý chung khi sử dụng kem chống nắng
  • Không nên ỷ lại việc sử dụng kem chống nắng để thường xuyên ở dưới nắng! Theo lý thuyết, kem có thể bảo vệ da không bị bỏng nắng (dấu hiệu đầu tiên là cảm giác nóng da). Tuy nhiên, vì không thấy nóng da nên bạn cứ để các tia UV xuyên qua hàng rào phòng ngự của da, đi thẳng đến hạ bì và làm hư hại DNA, tăng tốc độ lão hóa và giúp ung thư càng dễ phát triển. Ngoài ra, tia UVA và tia UVB còn là nguyên nhân gây cảm nắng. Về lâu dài những tác động của các tia này sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, làm cơ thể chống đỡ kém với một số chủng virus. Virus bệnh herpes gây mụn rộp hoặc giời leo chẳng hạn, rất dễ tái hoạt động dưới ánh mặt trời.
  • Các tia cực tím có thể xuyên qua mây, thủy tinh, thạch anh, cửa kính hay kính xe hơi. Vì thế dù có mặc quần áo dài tay, khi làm việc bên cửa sổ hoặc khi lái xe, bạn nên kết hợp bôi kem chống nắng để bảo vệ da. Khi đi đường nên mặc áo tay dài, đeo găng tay, khẩu trang, đội nón rộng vành, đeo kính mát màu đậm có tròng kính ôm kín cả chân mày và đuôi mắt. Hạn chế ra nắng từ 11g-16g mỗi ngày, dù có dùng loại kem cực kỳ chất lượng. Cũng cần sử dụng kem chống nắng vào mùa đông khi không nhìn thấy mặt trời như một thói quen để hạn chế tối đa những ảnh hưởng của tia cực tím.
Cũng cần sử dụng kem chống nắng vào mùa đông khi không nhìn thấy mặt trời
Cũng cần sử dụng kem chống nắng vào mùa đông khi không nhìn thấy mặt trời
  • Khi dùng các sản phẩm có độ SPF quá cao, những chất hóa học trong sản phẩm sẽ kết hợp với mồ hôi sinh ra những gốc tự do làm kích ứng da, gây một số tác dụng phụ như mụn, đỏ da, phát ban, bóng nước, cảm giác châm chích… Vì thế trước khi dùng nên bôi thử ít kem vào một vùng da nhỏ chừng 1cm2 sau dái tai; 24 giờ sau, nếu không có dấu hiệu gì lạ thì có thể yên tâm sử dụng tiếp.
  • Tránh bôi vào niêm mạc: một số loại kem chống nắng có thể gây kích ứng nếu dính vào vùng niêm mạc như mắt, miệng… Vì vậy, nên tránh không bôi kem chống nắng vào các vùng này.
  • Khi dùng kem chống nắng mà lại tắm thì hiệu quả chống nắng sẽ giảm đi rất nhiều, thường là giảm một nửa tác dụng. Vì vậy, sau khi tắm, cần bôi lại kem chống nắng thì mới đạt hiệu quả như mong muốn.
  • Không nên dùng kem chống nắng kết hợp với bôi các loại thuốc ngoài da khác. Đôi khi dùng chung các thuốc này có thể xảy ra hiện tượng tương tác thuốc gây ảnh hưởng tới da, thậm chí gây kích ứng, dị ứng da.
  • Với trường hợp dùng kem chống nắng để tắm biển, sau khi ngâm mình trong nước biển khoảng 50 phút, nên làm sạch, lau khô cơ thể và bôi lại một lớp kem mới để bảo vệ da.

Mặc dù kem chống nắng rất hiệu quả khi dùng đúng cách, nhưng cũng không thể bảo vệ da hoàn toàn khỏi ánh nắng mặt trời. Ngoài việc sử dụng kem chống nắng, nên dùng thêm các phương pháp bảo vệ khác như: đội mũ, mặc quần áo dài, đeo khẩu trang khi ra ngoài trời nắng gắt, đặc biệt tránh đi vào khoảng thời gian từ 10 – 15 giờ. Không nên đứng quá lâu dưới trời nắng…